Giới thiệu chung về tổ chức y tế thế giới WHO
Tổ chức Y tế Thế giới viết tắt WHO (tiếng Anh: World Health Organization) hoặc OMS (tiếng Pháp: Organisation mondiale de la santé) là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế, WHO tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, WHO cung cấp những thông tin chính xác, những địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người, WHO sẽ đứng ra để giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.
WHO được Liên Hiệp Quốc thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 1948. WHO kế thừa phần nhiều chức trách và tài nguyên từ tổ chức tiền thân của nó là Tổ chức Sức khoẻ (Organisation de la Santé), một cơ quan của Hội Quốc Liên trước đây.
WHO có trụ sở đặt tại Geneva, Thụy Sĩ. Tổng Giám đốc hiện nay là Trần Phùng Phú Trân (Margaret Chan, Fung Fu-chun), đảm trách từ 2007 và dự kiến đến tháng 6/2017.
Năm 2015 WHO có 194 thành viên quốc gia hay vùng lãnh thổ
Đại hội đồng là cơ quan ra quyết định tối cao của WHO, họp hàng năm tại Geneva, Thuỵ Sĩ vào tháng 5 với sự tham dự của tất cả các nước thành viên. Đại hội đồng đề cử Tổng Giám đốc, thông qua chính sách tài chính và ngân sách chương trình của WHO.
Nhiệm vụ của tổ chức y tế thế giới WHO
Mục tiêu của WHO là giúp mọi người có được sức khoẻ tốt nhất. Từ năm 1977, Hội đồng Y tế Thế giới đề ra khẩu hiệu “Sức khoẻ cho tất cả mọi người vào năm 2000” và coi là ưu tiên cao nhất của WHO. Để đạt được những mục tiêu này, tổ chức WHO đã đề ra bốn định hướng chiến lược tác động qua lại lẫn nhau:
Giảm tỉ lệ tử vong, tỉ lệ mắc bệnh và tật nguyền cao quá mức, đặc biệt trong các nhóm dân cư nghèo và bị thiệt thòi;
Cổ vũ lối sống lành mạnh và giảm các yếu tố gây nguy cơ cho sức khoẻ con người do các nguyên nhân môi trường, kinh tế, xã hội và hành vi gây ra;
Xây dựng các hệ thống y tế trong đó nâng cao một cách công bằng các kết quả đầu ra về sức khoẻ, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của nhân dân và công bằng về tài chính;
Xây dựng môi trường thể chế và chính sách thuận lợi trong ngành y tế, đẩy mạnh có hiệu quả vị thế y tế trong chính sách phát triển, môi trường, kinh tế và xã hội.
Ngoài các định hướng chiến lược này, WHO cũng xác định các ưu tiên cụ thể như phòng chống các bệnh sốt rét, lao phổi, sức khoẻ tâm thần, thuốc lá, các bệnh không truyền nhiễm (ung thư, tim mạch…), mang thai an toàn hơn và sức khoẻ trẻ em, HIV/AIDS, sức khoẻ và môi trường, an toàn thực phẩm, truyền máu an toàn, hệ thống y tế.
Nguồn: wikipedia.org