Trực khuẩn mủ xanh
Trực khuẩn mủ xanh là 1 trong những chỉ tiêu bắt buộc trong nước ăn uống trực tiếp QCVN 06:1-2010/BYT, sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về trực khuẩn mủ xanh bằng các thông tin bên dưới:
Pseudomonas aeruginosa (P. aeruginosa) là trực khuẩn Gram âm, nhỏ, đứng riêng lẻ, thành đôi và có khi xếp thành chuỗi,
Di động nhờ một lông duy nhất ở một cực. Kích thước 0.5 – 1µm x 1 – 5 µm
Ưa khí tuyệt đối, phát triển dễ trên các môi trường thông thường,
Nhiệt độ 30 – 370C, có thể mọc ở 420C, pH 7,0 – 7,2.
Khả năng gây bệnh của trực khuẩn mủ xanh
Loại vi khuẩn phổ biến gây bệnh ở động vật và con người. Nó được tìm thấy trong đất, nước, hệ vi sinh vật trên da và ngay cả ở những nơi nghèo dinh dưỡng, các môi trường nhân tạo như trên bề mặt nhựa PVC, vi khuẩn cũng được phát hiện trên các dụng cụ y khoa bao gồm catheter, gây ra nhiễm khuẩn bệnh viện và phòng mạch. Vi khuẩn này có thể gây nhiều bệnh khác nhau ở người. Nó phát triển mạnh ở các vết thương, vết bỏng; gây nhiễm trùng đường hô hấp kết hợp với các vi khuẩn khác; gây nhiễm trùng các vết thương ở mắt. Từ những vị trí này,P.aeruginosa có thể xâm nhập sâu vào cơ thể gây hoại tử vết thương, nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Những bệnh nhân bị bệnh xơ nang phổi hoặc suy giảm miễn dịch có thể bị bội nhiễm trực khuẩn mủ xanh gây nhiễm trùng phổi nặng. Tắm, lội ở các vùng nước nhiễm bẩn, trực khuẩn mủ xanh có thể gây viêm nang lông (nhiễm trùng da), viêm tai giữa. Điều đáng ngại là vi khuẩn P.aeruginosa kháng với nhiều loại kháng sinh.
Không có bằng chứng về khả năng nước uống là nguồn gây nhiễm trực khuẩn mủ xanh đối với cộng đồng. Tuy nhiên, sự hiện diện với số lượng lớn trực khuẩn mủ xanh trong nước uống, chủ yếu là do không tuân thủ đúng quy trình thực sản sản xuất vô khuẩn tại các cơ sở và có thể do nước đóng chai, đóng bình không được bảo quản sau lọc. Sự hiện diện của trực khuẩn mủ xanh trong nước uống đóng chai, đóng bình chứng tỏ mẫu nước đó chưa được tiệt trùng thích hợp như nhiễm bẩn từ đường ống hoặc thiết bị lọc hay từ chai, bình chứa không được rữa sạch hong khô tiệt khuẩn đúng thời gian quy định Bởi vì, trực khuẩn mủ xanh dễ bị tiêu diệt bởi các phương pháp khử khuẩn thông thường bằng cách đun sôi, tia cực tím, ozon, clo
P. aeruginosa là loài vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Độc tố của P. aeruginosachỉ có tác động gây chết khi chúng được tạo ra với số lượng lớn. Tuy nhiên, loài vi khuẩn này có nhiều yếu tố độc lực tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, lan truyền và gây bệnh.
P. aeruginosa gây nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm màng não, viêm màng trong tim, viêm tai giữa. Nhiễm khuẩn do P. aeruginosa còn hay gặp ở bệnh nhân mắc các bệnh ác tính, giảm bạch cầu, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.
Sau khỏi bệnh, cơ thể thu được miễn dịch tương đối lâu nhưng không chắc chắn.
– Nội độc tố (endotoxin): là thành phần của vách tế bào vi khuẩn. Nội độc tố bao gồm chủ yếu là LPS và một lượng nhỏ protein. Hoạt tính sinh học của nội độc tố chủ yếu do phức hợp LPS đảm nhiệm. LPS có vai trò quan trọng trong bệnh sinh nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn huyết.
– Ngoại độc tố (exotoxin A): bản chất là protein có trọng lượng phân tử 66,6 kDa. Exotoxin A hoạt động tượng tự như cơ chế hoạt động của độc tố vi khuẩn bạch hầu. Với khả năng khuếch tán và ức chế sự tổng hợp protein của tế bào, exotoxin A là một độc tố mạnh nhất của P. aeruginosa. Exotoxin A gây rối loạn chức năng huyết động trung tâm, thay đổi chức năng đông máu, rối loạn chuyển hoá lipit, gây tổn thương nhiều cơ quan, nhưng biểu hiện rõ rệt nhất là tổn thương gan. 90% số chủng P. aeruginosa sản xuất exotoxin A nhưng đặc tính của độc tố này rất khác nhau tuỳ từng chủng.
– Các enzyme ngoại tiết: vi khuẩn có khả năng sinh nhiều enzyme ngoại tiết, các enzyme này đóng vai trò quan trọng trong quá trình xâm nhập, gây bệnh tại chỗ:
+ Protease: gần 90% các chủng P. aeruginosa có khả năng phân giải protein. P. aeruginosa tiết ra 2 loại protease quan trọng là alcaline và elastase. Nhiều chủng tiết ra collagenase. Các protease này thường có tác dụng hiệp đồng. Elastase có thể phá hủy lớp chun keo thành mạch máu gây tổn thương xuất huyết, tạo nên những ổ hoại tử trong thành mạch máu. Enzyme này còn gây ức chế hiện tượng opsonin hoá, làm giảm khả năng thực bào của bạch cầu đa nhân trung tính. Ngoài tác động trực tiếp, các protease còn có khả năng làm thay đổi sức đề kháng của vật chủ thông qua việc bất hoạt bổ thể, phá hủy cấu trúc của các globulin miễn dịch.
+ Cytotoxine(leucocidin): là một protein rất độc với bạch cầu đa nhân trung tính và các tế bào lympho.
+ Exoenzyme S: là một protein, có thể có 2 dạng: dạng không hoạt động và không có tính enzyme và dạng hoạt động, có tính enzyme.
+Enterotoxin và yếu tố thấm qua thành mạch: các độc tố này còn ít được biết đến. Một số nghiên cứu đã chứng minh, trong thực nghiệm enterotoxin gây nên tình trạng ứ dịch trong đường ruột; độc tố này có thể là một trong những nguyên nhân gây viêm ruột non. Khi gây nhiễm qua da, yếu tố này có thể thấm vào trong lòng mạch, gây ban đỏ kèm theo xuất huyết ra ngoài lòng mạch.
Điều trị trực khuẩn mủ xanh
Nhất thiết phải làm kháng sinh đồ để lựa chọn thuốc điều trị. Trong thực tế thường sử dụng kết hợp một penicillin có hoạt tính chống P. aeruginosa (ticarcillin, piperacillin, mezlocillin) với kháng sinh nhóm aminoglycoside (tobramicin, amikacin). Hoặc có thể dùng ceftazidim, imipenem và các quinolon mới (nofloxacin, ciprofloxacin) để điều trị.
Có thể kết hợp dùng kháng sinh toàn thân với việc sử dụng tại chỗ các thuốc kháng khuẩn đông nam dược.
Sử dụng huyết thanh và globulin miễn dịch kháng P. aeruginosa kết hợp với kháng sinh để điều trị cũng là một xu hướng mới và có nhiều triển vọng.
Xem thêm: Tổ chức y Tế Thế Giới: Vai trò nước khoáng và nước tinh khiết với sức khỏe